Xà phòng biên niên - Jenni Home
Gọi là biên niên cho có tinh thần sử học thôi. Chẳng có ai biết bánh xà phòng đầu tiên du nhập vào Việt Nam từ lúc nào. Chỉ đại khái do người Pháp mang đến xứ thuộc địa khoảng đầu thế kỷ trước. Cũng chỉ để họ dùng với nhau. Người Việt phổ biến dùng bồ kết, bồ hòn để tắm gội giặt giũ. Đến tận giữa thế kỷ trước, hai loại quả này vẫn còn được dùng khá phổ biến ở cả nông thôn và thành thị. Nó phổ biến đến mức còn đi cả vào ca dao: Nam mô bồ kết bồ hòn/ Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau. Hai thứ quả này đều đem nướng lên. Bồ hòn đập giập ra ngâm quần áo để giặt. Bồ kết ngâm nước trong chậu thau đồng phơi nắng để gội đầu. Nhiều phụ nữ bây giờ vẫn không thể gội đầu bằng bất cứ thứ gì khác ngoài bồ kết.
Chữ “Savon” trong tiếng Pháp nguyên bản vào Việt Nam được đọc theo âm điệu của hai miền khác biệt. Miền Nam gọi là xà bông. Miền Bắc gọi xà phòng. Chẳng biết người Pháp lúc ấy có mấy loại xà phòng? Phải đến nửa sau của thế kỷ XX người Việt mới được làm quen với nó.
Hà Nội có nhà máy xà phòng đầu tiên vào cuối năm 1960 ở trong mạn Thanh Xuân. Nhà máy nằm trong khu công nghiệp bao gồm ba nhà máy sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá. Người Hà Nội gọi tắt là khu Cao Xà Lá. Ban đầu chỉ sản xuất ba loại xà phòng. Xà phòng giặt 72%, xà phòng thơm các nhãn hiệu Hoa hồng, Mộc lan, Bạch lan và thuốc đánh răng Ngọc lan. Dĩ nhiên nhà nước bao tiêu toàn bộ sản phẩm và nhà máy độc quyền sản xuất. Xà phòng cũng như mọi nhu yếu phẩm khác trên đời thời bao cấp được bán phân phối bằng tem phiếu. Cũng chỉ phân phối thường xuyên xà phòng giặt cho dân dùng. Xà phòng thơm dùng cho khách khứa ngoại giao và các ngành nghề đặc thù khác. Bánh xà phòng giặt 72% lúc ấy đôi khi cũng phải nhập khẩu từ Liên Xô. Đó là thứ xà phòng cứng đanh đen nhẻm như hòn gạch xỉ. Khỏe tay giặt giũ lắm cả tháng mới mài hết độ một bánh cho ba người. Xà phòng giặt lúc ấy kiêm nhiệm thêm cả việc tắm rửa, gội đầu, rửa bát đũa. Thời chiến tranh, dù có bánh xà phòng thơm cũng ít ai dám dùng. Trong các câu chuyện cảnh giác trên đài phát thanh tối thứ bảy hàng tuần thường hay có nhân vật nữ gián điệp bị lộ chỉ vì tắm bằng xà phòng thơm. Phải đến tận sau ngày thống nhất đất nước, xà phòng thơm mới thông dụng ở các thành phố lớn miền Bắc. Xà phòng quý hiếm đến thế nhưng chẳng hiểu tại sao thời kỳ này lại có thành ngữ “xát xà phòng” để nói về việc ai đó mắc khuyết điểm bị tập thể mang ra phê bình. Chẳng nhẽ người đã có khuyết điểm lại còn được đặc cách dùng “xà phòng” miễn phí?
Sau ngày thống nhất đất nước, miền Bắc mới biết đến xà phòng bột. Người miền Nam vẫn quen gọi là bột giặt. Miền Bắc lúc ấy mới chỉ có kem giặt đóng hộp nhựa. Kem giặt đông đặc như mỡ heo. Cho vào chậu ngâm quần áo nếu không bóp kỹ đảm bảo hôm sau vẫn còn “nguyên kem”. Phải đến sau ngày mở cửa nền kinh tế khoảng thập kỷ 90, xà phòng mới có bước phát triển rầm rộ. Lúc ấy dân chúng mới bắt đầu học cách sử dụng nhiều loại xà phòng cho nhiều việc khác nhau. Thành ngữ tếu táo vỉa hè “Lux rửa tay, Camay rửa vân vân” ra đời vào lúc này.
Xà phòng bây giờ có muôn hình vạn trạng. Vào bếp hoặc toilet một gia đình trung lưu ở thành phố có thể đếm được hàng chục loại xà phòng và nước tẩy rửa khác nhau. Từ mấy bánh xà phòng tắm dĩ nhiên thơm cho đến vài chai dầu gội đầu, sữa tắm dùng cho các lứa tuổi và giới tính khác biệt của nhiều hãng. Các mùa khác nhau cũng có xà phòng riêng biệt. Từ nước cọ rửa toilet cho đến xà phòng bột đổ vào máy giặt. Lại có những bình sữa tắm và dầu gội đầu in chữ quảng cáo nhỏ li ti như kiến. Người già muốn phân biệt chỉ còn cách nhớ màu sắc vỏ chai những thứ mình quen dùng. Đó là còn chưa kể những thứ xà phòng đặc biệt để giặt từng loại vải, lụa, len, dạ. Trên bệ bếp ít nhất cũng phải có hai loại nước rửa chén bát nồi niêu và bình phun nước lau kính riêng biệt.
Quá nhiều hãng quảng cáo sản phẩm xà phòng của mình khiến khách hàng bở hơi tai chọn lựa. Những cải tiến liên tục về thành phần hóa chất và hương liệu tạo mùi khiến người ta điên đảo mua về dùng thử. Có thể nói cho đến lúc này, xà phòng hiện đại đã tẩy sạch dấu vết của những xà phòng hơn hai mươi năm trước. Bánh xà phòng những năm 1960 bây giờ đã được rao bán trên mạng như một món đồ cổ. Và con người cũng như áo quần, nhà cửa đã trở nên sạch sẽ, thơm tho hơn trước rất nhiều. Nhưng chẳng hiểu sao tác phong sinh hoạt thị dân cũng ngày một bừa bãi hơn trước? Rác rưởi khắp nơi và hang cùng ngõ hẻm cũng bị nạn quảng cáo khoan cắt bê tông, gia sư, hút mụn trứng cá, phối giống chó mèo… tràn vào. Hay đó chính là mặt trái của việc người ta cậy có quá nhiều xà phòng?
ĐỖ PHẤN